Gạo lứt muối mè - ăn đúng phương pháp - Phong trào ăn gạo lứt muối mè được nhiều người tham gia vì có hiệu quả. Chẳng hạn, cơ thể nhẹ nhõm và giảm cân… Tuy nhiên, cũng có không ít quan điểm trái ngược xung quanh loại thực phẩm này.
Do đó, cần biết rành rẽ ưu khuyết điểm của gạo lứt muối mè để sử dụng thích hợp là điều cần thiết:* Mè (vừng) đen bổ thận, mè vàng bổ tỳ vị, hãy trộn hai thứ để có kết quả tốt. Mè có mangan, giúp gia cố khung xương, giảm nguy cơ gãy xương. Mangan là thành phần của SOD (superoxyd dismutase), enzym này có tác dụng chống oxy hóa, chống lão hóa. Mè tốt do chứa nhiều acid béo có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, mè cũng có chất béo hữu ích omega-3 nhưng không phát huy được tác dụng do nhiều omega-6, tỷ lệ omega-6/omega-3 vượt quá 4-1. Ăn dài hạn mè sẽ thừa chất béo, tăng nguy cơ máu nhiễm mỡ, dẫn tới bệnh tim mạch. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: bất cứ dùng chất béo nào nhiều và dài hạn đều không tốt.
Mè được làm thành muối mè để ăn với cơm gạo lứt. Do chỉ ăn một món duy nhất nên phải đậm đà mới dễ nuốt. Như vậy, ăn dài hạn gạo lứt – muối mè, cơ thể sẽ thừa natri (natri có trong muối) không tốt. Do đó, cần giảm lượng muối trong món muối mè.
* Gạo lứt nhiều chất xơ, có thể gây cào ruột. Một vài người nhạy cảm với chất xơ, ăn gạo lứt sẽ bị đau bụng, có nhu cầu đi tiêu ngay, chất dinh dưỡng chưa kịp ngấm vào máu đã bị bài xuất. Mè có chất dầu làm nhuận trường, gặp chất xơ của gạo lứt kích thích nhu động ruột. Kết hợp này khiến đường tiêu hóa được “xả thải”. Cần lưu ý không ăn món này khi đi xa…
Việc ăn duy nhất và dài hạn gạo lứt – muối mè có thể sẽ dẫn đến cơ thể thiếu chất dinh dưỡng. Tốt nhất hãy dùng gạo lứt – muối mè từng đợt để tốt cho sức khỏe.
Dược sĩ Bùi Kim Tùng – Theo PNO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét